Nhận biết các triệu chứng ho ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả
Trẻ sơ sinh thường dễ bị ho, đây là nỗi ám ảnh của nhiều bậc làm cha mẹ. Nhưng đôi khi họ vì quá nôn nóng muốn giúp con khỏi bệnh mà sử dụng nhiều cách điều trị sai lầm, kết quả là gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của em bé.
Cách xác định chính xác các triệu chứng ho
Ho khan
Đó là khi con ho mà không có đờm, thường kèm theo đau cổ họng, nghẹt mũi hoặc hắt hơi, chảy nước mũi, nhưng không phải do viêm phổi hoặc viêm phế quản. Khi gặp tình trạng này, trẻ em dễ nôn trớ, mệt mỏi và dẫn đến chán ăn.
Ho có đờm
Khi ho, bé thường tiết đờm loãng hoặc đặc. Đây có thể là một trong những triệu chứng của viêm xoang hay viêm phế quản ở trẻ em. Một số triệu chứng khác để nhận biết là khi ho trẻ cảm thấy nặng ngực, mệt mỏi và khó thở.
Ho sù sụ
Đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm trùng khí quản. Nguyên nhân có thể là do dị ứng thời tiết khi nhiệt độ thay đổi hoặc vì virut gây ra nhiễm trùng hô hấp. Bệnh thường phát vào ban đêm và mẹ có thể nhận ra dấu hiệu của nó khi nghe con thở khò khè.
Ho gà
Là nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn bordetella gây ra và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Triệu chứng của ho gà là con ho rất nhiều, chảy nước mũi, nhảy mũi và sốt nhẹ. Ho gà là một bệnh truyền nhiễm. Vi khuẩn có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua sự hắt hơi vào trong không khí của người bệnh.
Chú ý khi chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi bị ho
Đừng lạm dụng kháng sinh
Biết rằng thuốc có thể trị bệnh nhanh hơn, nhưng nếu tình trạng ho của con không có gì đáng kể, bố mẹ không nhất thiết phải cho trẻ uống thuốc. Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra việc lờn tác dụng hoặc một số loại thuốc có thể gây ra các phản ứng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của con.
Tiêu biểu là rất dễ gây loạn khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh. Nếu chuyển biến nặng có thể gây viêm ruột sau này. Do đó, cái gì nhiều quá cũng không tốt mẹ nhé!
Chăm sóc mũi và cổ họng thường xuyên cho trẻ em
Khi trẻ ho, cha mẹ thường quá lo lắng và chỉ có thể nghĩ đến việc mua thuốc cho con mình, nhưng lại quên rằng các biện pháp vệ sinh mũi cũng giúp trẻ hồi phục nhanh chóng.
Khi trẻ bị ho, chảy nước mũi, đau họng, cha mẹ nên dùng dung dịch muối sinh lý 0,9% để rửa mũi cho trẻ. Trong một số trường hợp, chỉ bằng những cách đơn giản này, trẻ sơ sinh có thể hồi phục mà không cần phải sử dụng bất cứ kháng sinh nào.
Cho em bé tắm nước gừng
Gừng có tính ấm nóng, khi uống sẽ có thể xoa dịu cổ họng, còn khi tắm sẽ làm dịu đi các cơn ho hiệu quả. Để thực hiện, mẹ rửa sạch gừng, cho lên bếp nướng đến khi vỏ ngoài cháy xém. Sau đó để nguội, lột vỏ, cắt thành lát và cho vào bồn nước ấm để cho con tắm.
Khi tắm, mẹ lưu ý là phải chọn nơi kín gió, đổ nước vào bồn cho đến khi mực nước nằm ngang ngực và lưng con. Không cần lo lắng rằng cho con tắm khi đang ho sẽ làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Vì các bác sỹ nhi khoa cũng khuyên rằng việc tắm đúng cách sẽ giúp trẻ hồi phục rất nhanh chóng.