Những đứa trẻ đặc biệt cần nuôi dạy theo cách đặc biệt
Sự đặc biệt ở đây xuất phát từ tính cách của trẻ. Có thể hiểu nôm na là những đứa bé khó chìu chuộng và nuôi nấng hơn bình thường một chút.
Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn những đứa bé với những tính cách khó chìu khác nhau thì các bậc phụ huynh phải làm như thế nào để vừa giúp bé phát triển một cách tự nhiên nhưng cũng không ép buộc con khiến con khó chịu nhé!
1. Những đứa bé nhạy cảm
Hãy bảo vệ không gian của con. Hãy nhìn xung quanh trẻ và cố gắng tưởng tượng thế giới thông qua đôi mắt, đôi tai và làn da nhạy cảm của con. Bất cứ kiểu kích thích giác quan nào – tiếng chuông chói tai, tiếng ti-vi ầm ĩ, ánh sáng gắt – đều có thể khiến trẻ khó chịu. Hãy hết sức hỗ trợ con ở những hoàn cảnh mới, nhưng cố gắng đừng xoa dịu quá nhiều, đôi khi điều này lại làm cho trẻ sợ thêm.
Hãy giải thích mọi việc chuẩn bị làm với con – từ việc thay bỉm cho tới việc chuẩn bị ra xe đi đâu – ngay cả khi bạn không nghĩ là con có thể hiểu được. Hãy trấn an con, trong những môi trường mới rằng mẹ luôn ở bên con. Nhưng hãy để con làm chủ, đôi khi những đứa bé này có thể khiến bạn ngạc nhiên. Bạn cũng nên khuyến khích con làm quen chỉ với một hoặc hai trẻ.
2. Những đứa bé năng động
Đừng trông mong là con sẽ chịu ngồi yên một lúc lâu. Ngay cả khi còn rất nhỏ, những em bé kiểu này cũng cần được thay đổi tư thế, cảnh sắc thường xuyên hơn so với những em bé khác. Hãy cho con nhiều cơ hội để chơi những trò kích thích sáng tạo và khám phá an toàn nhưng hãy chú ý để con không phấn khích thái quá. Hãy nhớ là khi con quá mệt, cảm xúc của con dễ khiến con choáng ngợp. Hãy để ý những dấu hiệu của việc quá tải và cố gắng tránh những thịnh nộ – vì rất khó dừng, nhất là đối với những trẻ này. Khi sắp “lên cơn”, nếu đánh lạc hướng con không có hiệu quả, hãy đưa trẻ ra khỏi chỗ đang chơi cho tới khi trẻ bình tĩnh lại. Đảm bảo là họ hàng hoặc những bảo mẫu khác hiểu và chấp nhận tính dữ dội của trẻ.
3. Những đứa bé cáu kỉnh
Hãy chấp nhận sự thật là trẻ kiểu này không cười nhiều như những trẻ khác. Hãy tạo cho con các cơ hội có thể sử dụng đôi mắt, đôi tai, chứ không phải cơ thể. Cha mẹ nên lùi lại nếu con đang chơi và hãy cho con chọn đồ chơi mà con muốn. Con có thể buồn bực hoặc nổi cáu với những món đồ chơi hoặc những tình huống lạ. Hãy cẩn thận với các giai đoạn chuyển tiếp. Nếu con đang chơi và sắp đến giờ ngủ, hay nhắc nhở con: “Sắp đến giờ cất đồ chơi rồi con nhé!”, sau đó, hãy cho con vài phút để làm quen với điều đó.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về tính cách ở trẻ để có cách chăm sóc, nuôi nấng phù hợp với bé. Bạn có thể tham khảo thêm một số phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ tại đây để cập nhật thêm kiến thức cho mình nhé!