Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật theo từng độ tuổi của bé

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật theo từng độ tuổi của bé

Du nhập vào Việt Nam từ khoảng hơn 8 năm trước, thế nhưng chế độ ăn dặm kiểu Nhật Bản ngày nay vẫn chiếm được nhiều sự tin tưởng áp dụng của các bà mẹ nhờ vào lợi ích cung cấp các bữa ăn toàn diện và đầy đủ dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Thời điểm thích hợp để bắt đầu phương pháp này là khi bé được 5 tháng tuổi và sẽ kết thúc lúc bé đạt mốc 15 tháng. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật dựa trên nguyên tắc: Cung cấp các thực đơn phù hợp với độ tuổi của bé, đi theo từng bước một như từ loãng đến đặc, từ mịn đến thô hơn và mỗi giai đoạn chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.

Lợi ích tuyệt vời của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Có hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian ăn dặm của trẻ: Ăn dặm sớm nghĩa là có thể ăn cơm sớm hơn, từ đó hệ thống tiêu hoá cũng làm quen với thức ăn có độ thô nhanh hơn so với việc áp dụng các biện pháp thông thường.

Thực đơn phong phú, không nhàm chán. Do đó, mỗi bữa ăn đều sẽ là một khoảng thời gian vui vẻ đối với con. Không còn sự bắt ép hay phải lo sợ khi nhìn thấy thức ăn nữa!

Rèn luyện tính độc lập và chủ động cho bé ngay từ nhỏ, hạn chế sự hình thành thói quen ăn vạ, kén chọn hay biếng ăn ….

lợi ích của phương pháp ăn dặm kiểu nhật

Cách thức thực hiện

Thời kỳ 5-6 tháng tuổi

Đây là giai đoạn bé bắt đầu được tập ăn dặm. Sữa mẹ vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với con khi này, vì thế trong một ngày chỉ cần một bữa ăn dặm là đủ. Đến khi 6 tháng tuổi, nếu bé có biểu hiện ăn tốt thì mẹ có thể tăng lên hai bữa một ngày.

Trong những ngày đầu tiên, cháo với súp sẽ là lựa chọn chính. Các bà mẹ nên chú ý đến tỷ lệ gạo khi nấu cháo cho bé. Tỷ lệ vàng trong phương pháp ăn uống của Nhật là 1:10 (gạo : nước). Cháo cần phải được chế biến sao cho thật mịn, vì lúc này bé vẫn quen với sữa mẹ và chưa biết cách nuốt thức ăn. Ngoài ra, trẻ sơ sinh 5-6 tháng tuổi không thể ăn thức ăn có gia vị vì chúng không thích hợp với hệ tiêu hoá còn non nớt của con.

Lượng cho ăn nên được tăng lên một cách từ từ. Bắt đầu với khoảng 5ml cháo trắng vào các ngày đầu, sau đó tăng lên 15ml trong tuần đầu tiên và khoảng 30ml sau tuần thứ hai. Ngoài cháo, mẹ cũng nên nhớ phải đưa nhóm rau củ vào thực đơn để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và kích thích con ăn ngon miệng hơn nhé.

Thời kì 7-8 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, mẹ đã có thể tăng độ thô và đặc của thực phẩm lên. Cháo có thể được nấu ở tỷ lệ 1: 7 thay vì 1:10 như trước. Và vẫn chưa nên nêm gia vị vào giai đoạn này khi chế biến mẹ nhé!

Ngoài sữa mẹ và cho ăn dặm vào bữa chính, chúng ta đã có thể bổ sung thêm các bữa phụ cho con vào giai đoạn này. Theo người Nhật Bản, bữa ăn nhẹ đóng một vai trò rất quan trọng. Các món tráng miệng như chuối nghiền, nước cam loãng… sẽ khiến cho con thêm hứng thú với việc ăn uống mỗi ngày.

Thời kì 9 – 11 tháng tuổi

Lúc này, con yêu chắc chắn đã quen thuộc với những bữa ăn theo kiểu Nhật mà mẹ chuẩn bị hàng ngày, khả năng nhai cũng đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Và đây là thời điểm con có thể được tập ăn cơm nát hoặc cháo vỡ được nấu với tỷ lệ 1: 5 rồi. Mẹ cũng có thể sử dụng gia vị với điều kiện phải nêm thật nhạt để không gây hại cho hệ tiêu hoá của con nhé.

Từ 12 tháng tuổi trở lên

Giờ đây mẹ có thể yên tâm vì con đã đủ “trưởng thành” trong vấn đề ăn uống rồi, hãy để con ngồi ăn cùng với gia đình và mỗi ngày bổ sung dinh dưỡng cho con bằng hai bữa phụ với bánh quy và trái cây là đủ.

Theo sát thực đơn ăn dặm của xứ sở mặt trời mọc này, chắc chắn việc cho bé ăn dặm sẽ không còn là nỗi lo của mẹ nữa. Chúc cho bé sẽ mau khôn lớn và mạnh khoẻ!