Lo lắng của những bà mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm

Lo lắng của những bà mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm

Con mình “ăn nhiều nhưng không lớn”? Đây là nỗi lo lắng của rất nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm. Nhưng các mẹ hãy bình tĩnh nhé, nếu chiều cao và cân nặng của bé vẫn nằm trong giới hạn chuẩn thì sức khoẻ của con vẫn ổn định mà thôi.

VD: Con bạn là một đứa trẻ 8 tháng tuổi có cân nặng trong khoảng 6,3 đến 10,2 kg và có chiều cao trong khoảng 64 – 73,5 cm. Xét theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, bé vẫn phát triển bình thường. Bạn không cần phải “lo sốt vó” lên rằng: “Tại sao những đứa trẻ hàng xóm cùng tuổi nhưng lại nặng hơn con mình đến 2 – 3 kg! Có phải bé nhà mình bị chậm tăng cân không?” Sau đó lại bắt đầu vòng lặp vô tận ép con ăn nhiều hơn và xem con của hàng xóm như một thước đo cân nặng chuẩn cho con của mình.

Điều quan trọng là mẹ xây dựng được một thực đơn dinh dưỡng đảm bảo cho sức khoẻ thể chất và sự phát triển bình thường của con là đủ! Vậy chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào?

Đảm bảo cân bằng 4 nhóm dưỡng chất cần thiết

Bạn thường nghe các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng một bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho một bé sơ sinh sẽ phải có sự hiện diện của bốn nhóm thực phẩm sau: đường bột (gạo, khoai tây …), protein (thịt, cá, trứng, sữa …), rau quả (rau mồng tơi, rau dền, vv) và chất béo (dầu ăn).

thực đơn ăn dặm của con cần cân bằng 4 nhóm thực phẩm chính

Những quan niệm sai lầm cần loại bỏ

Thế nhưng một số mẹ thường hay mắc sai lầm trong việc chỉ cho con ăn nước hầm xương vì cho rằng bé sẽ không thể tiêu hoá thịt cá và dầu ăn của nhóm béo mà không biết rằng mước hầm xương chỉ có chứa hợp chất nitơ để làm cho nước dùng có mùi vị thơm ngon chứ không cung cấp bất kỳ nguồn năng lượng nào cho cơ thể.

Trong khi đó, dầu ăn chính là nguồn axit béo cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh của em bé. Đây còn là một dung môi giúp cơ thể hấp thụ vitamin tốt hơn. Mặc khác, thiếu protein sẽ khiến cơ thể bé chậm phát triển. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng thiếu protein trong hai năm đầu đời còn dẫn đến tình trạng làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ em.

Do đó, trong khẩu phần ăn mỗi ngày của con đều phải có cả 2 dưỡng chất này thay vì chỉ có nước hầm xương. Có như vậy mới có thể đảm bảo sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng cho bé.

Một số lời nhắn nhủ đến cha mẹ

Bước sang độ tuổi ăn dặm, cả mẹ và con thường phải gặp khó khăn trong việc thích nghi với những điều mới. Từ phương pháp chế biến các món ăn dặm phù hợp cho từng độ tuổi của con, sự chuyển giao từ thức ăn lỏng là sữa cho đến thực phẩm rắn là cháo, thời gian thích ứng và làm quen, sự tăng giảm cân nặng của bé… Chắc chắn sẽ không một ai lần đầu làm cha mẹ và không có kinh nghiệm có thể xử lý tốt trong mọi tình huống được.

Vì vậy, đừng lo lắng quá nhiều, vì sự lo lắng có thể ảnh hưởng đến khả năng nuôi con của bạn đấy. Quan trọng là chúng ta biết tham khảo thông tin từ các nguồn uy tín hay từ sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn mà thôi, tin rằng khi đó cha mẹ sẽ có thể thật tự tin trong hành trình nuôi dạy con của mình.

Bạn có thể tham khảo thêm một số chủ đề liên quan tại đây!